Tin nhan chuc mung ngay 8-3
Soạn : SMS 84282 gửi 6722
Tải miễn phí

Chia Tay ấu thơ


Có cái gì đắng ngắt lại nơi cổ họng của Khoa. Cô bé áo mưa vàng đã làm cậu rung động, đã khiến cậu tìm kiếm vất vả vậy mà cậu lại chọn rời xa cô ấy quá dễ dàng.

Kì 4: Rồi Ta Cùng Lớn Lên

Sáng thứ bảy của một mùa hè, tiếng máy khoan kêu ầm ầm của tòa chung cư đang xây dở, tiếng xe cộ kêu ầm ầm làm cho cái ngõ nhỏ như bị rung chuyển. Phương đứng gõ cửa một lúc rồi không đủ sự kiên nhẫn nên mở luôn cửa chạy vào. Nhìn cái chăn lùm xùm phủ trên giường, Phương kéo mạnh cái chăn một cái, nói lớn:

- Biết ngay mà. Cả nhà đợi anh xuống ăn sáng nãy giờ đó.

Khoa lồm cồm ngồi dậy, gãi gãi mái tóc bù xù rồi với tay lấy chiếc đồng hồ đặt ở cái tủ nhỏ cạnh giường:

- Anh xuống ngay đây. Em xuống trước đi.


Phương khoanh tay trước ngực, hoạnh họe:

- Không được. Em phải thấy anh đi đánh răng xong mới xuống. 

Khoa biết tính Phương đã nói là làm nên đành nhượng bộ đứng dậy. Lúc sau, thấy cậu uể oải nhai chiếc bánh mì, mẹ hỏi:

- Sao trông con mệt mỏi vậy? 

Khoa chưa kịp trả lời thì Phương nhanh nhảu:

- Tối qua anh ấy thức khuya lắm mẹ ạ.

- Con học à? Mẹ hỏi tiếp:

- Dạ không. Con đọc sách thôi.

- Anh đọc sách gì thế?

Khoa uống một ngụm sữa tươi rồi đáp:

- À anh tìm được quyển nhật kí hồi cấp 3 nên mở ra đọc lại ấy mà.

Bữa ăn sáng trôi qua nhanh chóng vì mẹ Khoa đã có lịch đi tập yoga, bố đi công tác chưa về, Phương thì cũng hẹn đi xem phim với bạn. Chỉ còn một mình trong nhà, Khoa định bụng quay trở về chiếc giường thân yêu làm thêm một giấc nữa nhưng tiếng sửa chữa từ khu nhà bên cạnh như khoan thẳng vào tai, không thể nào nhắm mắt lại được. Khoa liền cầm laptop đi bộ ra quán cà phê có wifi miễn phí gần nhà. Chỉ một cốc cà phê đậm đặc là Khoa có thể ngồi cả ngày ở đây. Đang nhâm nhi vị đắng chát của cà phê thì Khoa nghe thấy tiếng trò chuyện khe khẽ của hai cô bé phục vụ sau quầy pha chế:

- Này cậu đọc báo sáng này chưa? Có tin diễn viên Thiên Lâm “bắt cá hai tay” đấy”.

- Thật á? Sao Thiên Lâm lắm scandal thế? Tuần trước vừa có tin Thiên Lâm tự động bỏ phim đã kí hợp đồng.

Khoa chú ý ngay tới câu chuyện của hai cô gái và vội mở ngay báo mạng ra. Diễn viên Thiên Lâm mà họ nhắc đến đối với Khoa chẳng lạ gì. Đó là người bạn thân nhất thời thơ ấu của cậu. Học hết cấp ba, Khoa thi đỗ vào trường Luật còn Lâm không được may mắn trong con đường học hành như thế. Cậu thi trượt nhưng cuộc đời cậu lại nhờ thế mà rẽ sang một lối khác. Lâm thử vận may của mình lần nữa bằng cách tham gia một cuộc thi tìm kiếm diễn viên trẻ.

Nhờ có ngoại hình sáng sủa, Lâm được chọn đóng phim và rồi nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Lúc đầu Lâm còn hay mời Khoa tới trường quay xem mình đóng nhưng rồi cậu bận dần và Khoa cũng bận học nên hai người ít gặp nhau hơn. Lâm được mời đi đóng quảng cáo khắp nơi còn Khoa là cậu sinh viên trường Luật ngày hai buổi đến trường, khoảng cách tình bạn cứ thế hình thành. Tiền đóng phim nhiều, Lâm mua được một căn hộ chung cư gần hồ Tây, còn Khoa vẫn sống ở con ngõ nhỏ cũ. Ban đầu mẹ và em gái Khoa đều rất ngạc nhiên khi thấy cậu và Lâm không đi chơi với nhau nữa. Nhưng bây giờ thì cả hai đã quen, thậm chí Phương còn đùa rằng nếu muốn gặp Lâm thì cứ tối 8 giờ mở tivi lên sẽ thấy. Không còn gặp nhau thường xuyên nữa nhưng Khoa vẫn quan tâm tới tình hình của bạn.

Dạo gần đây, càng ngày Lâm càng dính vào nhiều tai tiếng hơn. Lúc thì có tin Lâm mua giải thưởng, lúc thì tin yêu người này, bỏ người kia. Có lẽ cuộc sống nghệ sĩ trong giới giải trí thực sự rất phức tạp. Khoa nhìn chiếc điện thoại nằm trên bàn như trêu ngươi mình. Khoa vẫn còn số điện thoại của Lâm, dù đã lâu không gọi. Hôm nay đọc một mẩu phỏng vấn trên báo, thấy Lâm tâm sự là nhiều lúc rất cô đơn, chỉ muốn có một người lắng nghe mình, tự nhiên Khoa nhớ lại những cuộc tán gẫu dài không dứt của hai đứa thuở bé, và Khoa nghĩ mình nên gọi cho Lâm. 


Kiên trì gọi đến lần thứ năm thì số điện thoại mới có người nhấc máy. Lâm nhận ngay ra giọng nói của Khoa và đồng ý hẹn gặp, nhưng phải gặp vào buổi tối vì cánh phóng viên bám theo Lâm rất sát. Khoa bật cười trước giọng điệu của Lâm. Điểm hẹn vẫn là sân bóng đá cả hai từng chơi. Lâm tới muộn nửa tiếng. Mặc dù gặp nhau buổi tối nhưng Lâm vẫn mặc đồ rất chỉn chu, giày dép, quần áo bóng lộn tươm tất. Hai đứa chẳng chơi bóng được vì từ lúc bước xuống taxi Lâm liên tục nhắn tin, rồi lại gọi điện, rồi lại nhắn tin tiếp. Những câu hỏi của Khoa, Lâm trả lời qua loa. Rồi Lâm lấy trong cái túi xách theo hai gói quà, bọc cẩn thận, từ gói giấy còn tỏa ra một mùi hương thơ nhè nhẹ dễ chịu:

-  Đây là quà đi quay ở châu Âu tao mua cho mày và Phương đấy.

Nhận gói quà từ tay Lâm, Khoa có cảm giác khang khác. Chả biết từ bao giờ thằng bạn thân của Khoa đã trở nên khách sáo như thế. Từ bé tới giờ quà sinh nhật Khoa phải nhắc mãi Lâm mới thèm tặng, mà cũng chẳng bao giờ gói gém lại cả. Tặng quà xong, Lâm nghe điện thoại rồi chào Khoa về trước vì có việc bận. Nhìn Lâm leo lên xe taxi, dáng vẻ vội vã, Khoa chạnh lòng, có cảm giác có cái gì đó vuột mất qua, hay có cái gì dường như đã biến mất.

Gói quà của Phương là một chiếc khăn thêu rất đẹp, còn của Khoa là cái bật lửa. Khoa nhìn chiếc bật lửa chạm trổ tinh vi rồi cất vào ngăn kéo. Khoa không hút thuốc, có dùng bật lửa làm gì đâu. Lâm từng kể với Khoa rằng trong giới giải trí việc giao tiếp được đánh giá rất cao nên người quản lí thường giúp cậu mua sẵn rất nhiều quà tặng rồi để đó, khi có dịp phải tặng ai thì Lâm tự lấy một gói. Khoa nằm đặt tay lên trán, suy nghĩ không biết có phải gói quà tối nay cũng là Lâm lấy đại từ cái đống đó không?

Sau buổi gặp ngắn ngủi với Lâm hôm nay, Khoa không thể ngăn mình có những sự so sánh ngầm mang tính chất đầy tiêu cực. Lúc nhỏ đi học cùng nhau, Khoa lúc nào cũng là tấm gương sáng mà mọi người thường nói với Lâm. Vậy mà bây giờ Lâm đã là một ngôi sao nổi tiếng, còn Khoa đã sắp tốt nghiệp mà vẫn chật vật không tài nào xin nổi một chân thực tập trong văn phòng Luật, cuối cùng vẫn phải nhờ tới một người bạn của mẹ xin giúp. Đúng là cuộc sống không ai lường trước được điều gì. Nhưng rồi Khoa cũng chìm vào giấc ngủ, trong lòng mang theo một chút hi vọng ngày thực tập đầu tiên sẽ tốt đẹp. 

Ông trời có lẽ muốn làm khó Khoa hay sao mà ngày ngày đầu đi thử việc đã làm ra một cơn mưa lớn, tưởng chừng như dài bất tận. Đi xe máy tới chỗ làm, dù đã mặc áo mưa Khoa vẫn có cảm giác chiếc áo sơ mi của mình trông nhăn nhúm vô cùng. Vẫn còn sớm, chưa tới giờ hẹn, Khoa đứng trước cửa công ty căn chỉnh lại chiếc áo cho ngay ngắn. Có một vài người, hình như là nhân viên của công ty, bước qua Khoa. Cậu nhìn họ với ánh mắt đầy ngưỡng mộ, trông họ thật thành đạt. Mải nhìn xung quanh nên Khoa không để ý có tiếng mở cửa sau lưng mình. Và người mở cửa cũng không thấy Khoa đang đứng bên ngoài nên cánh cửa va vào lưng làm cậu loạng choạng suýt ngã. Người vừa mở cửa thấy vậy cuống quýt xin lỗi Khoa. Rồi đột nhiên khi Khoa ngẩng mặt lên, ánh mắt hai bên chạm vào nhau, cả Khoa và người kia đều im lặng. 

- Hạ Quyên?

Cô gái đứng trước mặt Khoa gật nhẹ đầu. Nét mặt dịu hiền của cô ấy vẫn không hề thay đổi dù năm năm đã trôi qua. Chỉ cần nhìn thoáng qua là cả hai đã nhận ra nhau ngay. Hạ Quyên hơi đứng lùi lại một chút, cô nói:

- Không ngờ lại gặp cậu ở đây.

- Mình thực tập ở đây. Còn cậu?

Hạ Quyên vẫn nói nhẹ nhàng:

- Lát nữa cậu sẽ gặp lại mình.

Cô bước đi tự tin. Khoa thầm nghĩ chắc Hạ Quyên cũng là sinh viên tới xin thực tập. Mà không biết cô ấy về nước nghỉ hè từ lúc nào.

Khoa đã nhầm. Hạ Quyên không đến xin việc, cô là thư kí của văn phòng luật sư. Cô đã từng làm ở đây. Nói cách khác, cô là người hướng dẫn công việc cho Khoa. Gặp lại nhau trong phòng thư kí, Hạ Quyên ôn tồn giải thích:

- Mình đã đi làm ở văn phòng này từ hè năm ngoái rồi. Lúc đó mình cũng là sinh viên thực tập. Năm nay mình vẫn được làm tiếp.

Qua lời nói của Hạ Quyên, Khoa chỉ chú ý tới chuyện cô đã về nước vào mùa hè, vậy sao trong suốt cả bốn mùa hè trước không lần nào liên lạc với Khoa nhỉ. Khi Hạ Quyên đi du học, cả hai có nick chat của nhau nhưng chưa từng nói chuyện. Khoa nghĩ Hạ Quyên sang Mĩ rất bận, không muốn làm cô phân tâm nên dù rất muốn cũng không hỏi thăm gì. Chỉ có Lâm là giữ liên lạc với Hạ Quyên và hay kể cho Khoa nghe. Nhưng Lâm bây giờ quá bận nên nguồn thông tin duy nhất của Khoa về cô đã bị cắt đứt. 


Ngày đầu tiên đi thực tập cũng không có gì nhiều. Tuy nhiên Khoa thấy mình như kẻ ngốc vì không biết sử dụng máy photo. Hạ Quyên là người chỉ Khoa cách làm. Tới đầu giờ chiều, một chị trong công ty lại nhờ Khoa đi xuống căn tin của công ti mua hộ bánh cho cả phòng. Mọi người làm việc hăng say quá quên cả ăn trưa. Lúc đưa bánh cho Hạ Quyên, Khoa thấy cô vẫn tập trung đọc tài liệu, không hề ngẩng lên chút nào. Tan sở, Khoa vừa chạy xe máy vừa nghĩ về Hạ Quyên. Ngoại hình của cô không thay đổi nhiều. Nhưng ở cô có cái gì đó hơi lạnh lùng, hơi xa cách. Hình như Khoa và cô không còn nhiều điểm chung như trước đây nữa.

Về tới nhà, mẹ Khoa nhắc phải gọi điện cho bác ngay. Bác Khoa đã không còn kinh doanh cửa hàng nữa mà sửa thành căn hộ cho thuê. Đã nửa tháng nay đăng báo mãi bác mới tìm được người thuê nhà. Thật ra không phải không có ai muốn thuê mà cơ bản là bác khá khó tính không muốn cho thuê bừa bãi. Mấy cậu thanh niên thì bị bác chê là trông lôi thôi luộm thuộm, sợ không giữ nhà cửa sạch sẽ, mấy cô sinh viên tính tình cởi mở thì bác kêu là con gái vừa nói vừa cười vô duyên, mấy anh công nhân ít nói thì bác phán là trông như có hành động ám muội. Cuối cùng tuyển đi tuyển lại bác của Khoa mới tìm được một người cho thuê nhà thích hợp.

Người này chỉ nói chuyện với bác qua điện thoại chứ chưa hề tới xem nhà. Nhưng người ta bảo đồng ý chuyển tới luôn, hôm chuyển nhà sẽ kí hợp đồng và trả tiền nhà tháng đầu. Mang tiếng học luật nên Khoa được bác tin tưởng ủy thác cho việc soạn thảo hợp đồng thuê nhà cho bác. Tất nhiên việc soạn thảo hợp đồng Khoa đã học từ hồi năm một nên không có gì khó khăn. Buổi chiều tối, Khoa mang theo bản hợp đồng sang nhà bác. Cửa nhà không khóa, có một chiếc xe tải còn đậu trước nhà. Mấy thùng giấy đặt la liệt bên ngoài căn phòng cho thuê. Nghe thấy tiếng bác mình trong phòng, Khoa cũng đẩy cửa bước vào.

- Cháu đến rồi đấy à? Để bác giới thiệu với cháu. Đây là cô bé thuê nhà của bác.

Có vài cái thùng giấy xếp chồng lên che khuất đi nhưng Khoa nghe thấy có một tiếng nói lanh lảnh cất lên: 

- Em chào anh ạ.

Rồi từ đằng sau những chiếc thùng một cô gái, mái tóc nhuộm vài sợi nâu vàng chạy ra, chìa tay trước mặt cậu. Khoa không dám nhìn thẳng vào cô gái, nhưng thấy cô mặc chiếc áo phông khá là bó và cái quần sọc hơi ngắn, cậu càng chẳng dám nhìn xuống. Thế là cậu bị đứng trong một tư thế nhìn lên không được, nhìn xuống cũng không xong. Nhưng không cần phải ở trong tư thế đó lâu bởi cô gái tự cúi đầu xuống, bật cười:

- Anh Khoa, anh không nhận ra em à?

Lúc này Khoa mới ngẩng đầu lên. Bốn mắt nhìn nhau, cậu vẫn không nhận ra mình có quen biết cô gái này. Cậu ấp úng nói:

- Xin lỗi, chắc bạn nhầm người rồi.

Cô gái phá lên cười, âm thanh giòn tan:

- Anh nhớ kém quá. Em là Hạnh đây mà, hồi trước em sống gần nhà anh, rồi em vào Sài Gòn.

Đến lúc này thì Khoa đã nhớ ra được. Cậu ngạc nhiên. Cái Hạnh hột mít ngày nào tròn vo bây giờ lại thành cô gái cao ráo mảnh dẻ thế này. Cậu vẫn lúng túng:

- À, chào em. Trông em bây giờ khác thế. 

Hạnh gật gật đầu, nhoẻn miệng cười:

- Vâng, ngày xưa em xấu hoắc mà. Anh vẫn thế. Vừa nhìn thấy anh là em nhận ra ngay.

Rồi Hạnh kể cho Khoa nghe tại sao Hạnh lại có mặt ở đây. Cô bé đăng kí học đại học ở Hà Nội. Hạnh còn mở cả shop bán quần áo online nữa. Cô bé học về thời trang nên tự thiết kế mẫu cho shop của mình. Khoa không hiểu lắm về thời trang, nhưng thấy Hạnh say sưa kể cũng không nỡ cắt ngang. Khoa nhận ra Hạnh đã xinh đẹp hơn xưa nhiều, cô cũng tháo vát nữa. Khoa thấy bản thân mình chẳng có gì để kể cả, Khoa vẫn là một cậu sinh viên sống dựa vào gia đình, mới đây vừa có công việc thực tập. Một công việc bao gồm rất nhiều việc lặt vặt nên còn không biết chính xác nó là việc gì, đấy là còn chưa kể tới chuyện cậu phải làm việc dưới trướng người mình từng yêu mến.

Ngồi một lúc, đợi Hạnh kí xong hợp đồng, Khoa xin phép về. Hạnh tiễn cậu ra tận cửa, cô bé còn nói vọng theo:

- Anh, lúc nào em lại tới nhà anh ăn cơm nhé.

Khoa gật nhẹ đầu. Trên đường về, cậu cứ nghĩ không biết Hạnh bây giờ có còn thích ăn đồ ngọt như ngày xưa không. Cả Hạnh, Hạ Quyên và Lâm đều đã phần nào đổi khác, có người thay đổi ít, có người thay đổi nhiều, chỉ có Khoa là dường như vẫn còn dậm chân tại một chỗ, vẫn chưa thay đổi gì nhiều ngoại trừ việc cao và gầy hơn trước. 

Phương đã biết chuyện Hạnh ra Hà Nội học, nhưng chính Hạnh lại muốn giấu chuyện này, biến đó thành một điều bất ngờ đối với Khoa. Tối hôm sau thì Hạnh được mời qua nhà Khoa ăn cơm. Mẹ và em gái Khoa vẫn rất quý Hạnh, liên tục gặp thức ăn cho Hạnh. Còn Khoa, cậu không nói nhiều vì hơi mệt sau một ngày làm việc, nhưng lặng lẽ ngắm Hạnh trong suốt bữa ăn, thỉnh thoảng cậu cười thầm thấy cô dù đã lớn nhưng cái tính nói lanh chanh vẫn chưa bỏ. Cô vẫn như lúc trước, thích ăn tráng miệng. Chỉ có điều bây giờ ăn xong hai bát chè bưởi là cô đòi đi chạy bộ ngay vì lo sẽ tăng cân.

Ăn tối xong, mẹ bảo Khoa tiễn Hạnh về nhà bác. Trên đường Hạnh hỏi Khoa đủ thứ chuyện, nhưng tuyệt nhiên không nhắc gì tới cái khung ảnh vẫn nhờ Khoa giữ hộ. Khoa mỉm cười, có lẽ cô bé đã quên rồi. Lúc về đến trước cửa nhà bác, Hạnh nhẹ nhàng nhấc một bàn tay của Khoa lên, cô đặt vào trong lòng bàn tay cậu cái gì đó rồi xấu hổ chạy luôn vào trong nhà. Khoa mở lòng bàn tay mình ra, một chiếc kẹo màu hồng nhỏ nhỏ xinh xinh nằm giữa bàn tay. Cậu nghĩ tới Hạnh, bất giác cảm thấy cô giống như một nữ sinh trung học lần đầu có cảm tình với một chàng trai nào đó. Tối hôm đó, Khoa không ăn cái kẹo nhưng đặt nó nằm nhẹ nhàng bên cạnh khung ảnh của Hạnh. 

Một tuần sau, công ty luật nơi Khoa làm việc có một vụ kiện ở Đà Nẵng cần phải giải quyết. Trưởng phòng được giao phó vụ kiện này đã quyết định mang theo hai trợ lí là Hạ Quyên và Khoa. Tất nhiên những thông tin của vụ kiện hay khách hàng thì chỉ có Hạ Quyên được biết còn Khoa chỉ có việc đứng ngoài phòng làm việc chờ đi scan giấy tờ này, photocopy giấy tờ kia. Khách sạn nằm bên cạnh biển nên cảnh nhìn từ ban công phòng xuống vào buổi tối rất đẹp và thanh bình. Sau một ngày làm việc, Khoa đi lững thững dọc bãi biển, thả hồn mình vào những con sóng bạc đầu đang xô đẩy nhau, đập tới tấp vào bờ cát trắng. Đi qua một chiếc xích đu, Khoa dừng lại. Hạ Quyên đang ngồi trên xích đu, đôi chân trần thỉnh thoảng lại đá nhẹ một cái để chiếc đu bay lên. Cô mỉm cười với Khoa. Một nụ cười xã giao. Khoa nửa muốn nán lại nửa muốn đi tiếp. Cậu có rất nhiều chuyện muốn hỏi cô, nhưng nhìn thái độ của cô những ngày làm việc chung, cậu cũng không biết liệu cô có hứng thú trả lời những câu hỏi của mình không. Hạ Quyên thấy Khoa vẫn không hề bước tiếp, cô luôn nói:

- Cậu đẩy hộ mình vài cái được không?

Khoa tất nhiên không thể từ chối lời đề nghị của Hạ Quyên. Cậu đứng dịch sang một bên, đẩy nhẹ chiếc xích đu. Gió biển thổi mạnh làm mái tóc Hạ Quyên tung bay về phía sau, cô lấy tay vén nhẹ những sợi tóc mai bám vào hai bên má, rồi vẫn đôi mắt nhìn xa xăm về không trung, cô hỏi Khoa:

- Tại sao trong suốt mấy năm vừa rồi, cậu không hề liên lạc với mình?

Bị bất ngờ vì cậu hỏi của Hạ Quyên, Khoa thấy hơi lúng túng, nhưng cô đã nhìn sâu vào đôi mắt của cậu, và Khoa biết mình không thể không trả lời. Cậu đành nói úp mở:

- Mình nghĩ cậu học hành rất bận nên không muốn làm phiền cậu.

Hạ Quyên cúi xuống, đá đá những hạt cát bằng bàn chân trần, rồi cô lại nhìn ra xa xăm, tiếng nói nhẹ như tiếng lá rơi:

- Suốt 5 năm cậu có số điện thoại của mình nhưng không hề gọi, có địa chỉ email nhưng không gửi một lá thư nào. Mùa hè nào mình cũng về Việt Nam, lần nào cũng tưởng cậu sẽ tìm cách liên lạc với mình”. 

Khoa im lặng. Cậu cảm nhận được sự trách cứ trong giọng nói của Hạ Quyên thì ít mà sự nuối tiếc thì nhiều. Có cái gì cũng đắng ngắt lại nơi cổ họng của Khoa. Cô bé áo mưa vàng đã làm cậu rung động, đã khiến cậu tìm kiếm vất vả vậy mà cậu lại chọn rời xa cô ấy quá dễ dàng. Ha Quyên đứng lên khỏi xích đu, cô gật nhẹ đầu chào Khoa rồi đi về phía phòng khách sạn.

Khoa nhìn những bước chân Hạ Quyên mong manh còn in trên cát, cậu cũng muốn chạy theo cô nhưng chẳng biết sẽ phải nói gì, phải giải thích gì. Cậu đã có rất nhiều cơ hội để có thể liên lạc với Hạ Quyên, nhưng chính bản thân cậu lần lượt tự mình bỏ qua những cơ hội ấy. 

Đi đến tiền sảnh khách sạn, Hạ Quyên quay nhìn về phía bờ biển một lần nữa. Khoa giờ chỉ là một chấm nhỏ xa xôi. Những con sóng vẫn dâng lên, cuộn tròn, rồi vỗ mạnh vào bờ biển. Cô cảm thấy bản thân mình vừa chiêm nghiệm ra một điều gì đó. Có lẽ nào những tình cảm thời niên thiếu chỉ như một con sóng, đến rồi đi rất nhanh, kỉ niệm cũng như những dấu vết trên cát, đi theo cùng sóng, tình cảm đi rồi thì kỉ niệm cũng trôi tuột theo. 


Sau chuyến đi thực tế đầu tiên, cả Khoa và Hạ Quyên đều được sếp khen ngợi. Được nhận tháng lương thực tập đầu tiên do mình làm ra, Khoa quyết định mua món vịt quay đãi cả nhà. Khoa hí hửng nghĩ cả nhà sẽ bất ngờ lắm đây, từ trước tớ giờ toàn mẹ hoặc Phương đi chợ mua thức ăn chứ Khoa đã bao giờ mua đâu. Nhưng vừa mở cửa bước vào nhà, Khoa bất ngờ vì trên bàn, những món cậu thích ăn nhất đã được bày ra. Bố mẹ và Phương trông không có vẻ gì ngạc nhiên với tin Khoa được nhận lương hôm nay. Họ còn ấn Khoa ngồi xuống ghế trước. Vừa ngồi xuống, Khoa đã thấy từ dưới cầu thang có tiếng bước chân người đi lên. Đó là Hạnh. Cô bé hua hua một cái túi giấy ra đằng trước rồi hồ hởi:

- Cháu phải chạy thật nhanh vì sợ kem chảy mất. May quá. 

Phương đón lấy cái túi từ tay Hạnh cất vào tủ lạnh còn mẹ thì nhanh miệng xếp cho Hạnh ngồi cạnh bên Khoa. Bữa ăn chúc mừng trôi qua vui vẻ dù Khoa cảm thấy như là mẹ và Phương liên tục hỏi về sở thích, thói quen của Hạnh và so sánh với cậu. Giữa bữa, Khoa nhờ Hạnh gắp cho một món ở phía xa mình, cô đón cái đĩa từ tay Khoa nhưng lúng túng thế nào lại va cái đĩa vào một góc của cạnh bàn, làm mẻ mất một miếng. Hạnh xấu hổ, mặt đỏ lựng lên vội xin lỗi mọi người, còn Khoa nhìn bộ dạng của cô, bất giác cảm thấy trong lòng rất thoải mái. Cô đã trưởng thành nhưng ở đâu đó trong cô vẫn còn hình ảnh của cô bé hột mít hậu đậu ngày xưa. Ăn cơm xong, Hạnh đứng lên chia kem trong tủ cho mọi người. Cô đưa kem đậu xanh cho mẹ, kem cốm cho Phương, kem ca cao cho bố và cuối cùng là kem dừa cho Khoa. Cậu ngạc nhiên, cô chia cho từng thành viên trong gia đình Khoa đứng loại kem mà người đó thích. Và nhất là chuyện Khoa thích ăn kem dừa, rất ít người nhớ mà Hạnh vẫn còn nhớ. Lúc sau khi Hạnh và Phương đang tíu tít xem tạp chí ngoài ghế, mẹ bảo Khoa:

- Cái Hạnh thật dễ thương. Hồi nhỏ nó đã tốt tính rồi, bây giờ lại còn xinh đẹp hơn trước nữa.

Khoa nhìn Hạnh, không có ý kiến gì chuyện hồi nhỏ cô không được duyên dáng như bây giờ, nhưng cũng cảm thấy dễ chịu với sự có mặt của cô ở đây, cô làm gia đình cậu nhộn nhịp và nhiều tiếng cười hẳn lên. Trời tối, Khoa lại tiễn Hạnh về nhà. Khi đi ngang qua một bến xe buýt trên đường, Hạnh chỉ vào tấm áp phích to đùng dán ở chỗ đợi:

- Ủa, đó là anh Lâm hồi trước chơi thân với anh đúng không?

Khoa gật đầu.

- Nghe Phương bảo em là bây giờ hai người không chơi thân với nhau nữa à? Sao vậy?

Khoa không muốn giải thích cho Hạnh nhiều, sợ cô bé sẽ hiểu sai sang hai hướng, một là nghĩ cậu đang kể xấu Lâm vì ghen ăn tức ở, hai là thấy cậu quá tự ti về bản thân mình. Con đường về nhà Hạnh mỗi lúc một ngắn hơn. Đột nhiên, Khoa có cảm giác như Hạnh vừa làm một động tác gì đó, cậu quay sang thì thấy cô bé đang khoác nhẹ cánh tay mình. Thấy Khoa dừng hẳn lại, Hạnh bỏ tay ra, ngượng ngùng giải thích:

- Ăn no xong đi bộ mệt quá. Anh cho em bám nhờ một tí nhé.

Khoa gật đầu. Một lúc sau quay sang thấy Hạnh đang tủm tỉm cười. Còn cậu chẳng cảm thấy có gì đáng cười. Cậu chỉ nghĩ đơn giản giúp người là chuyện nên làm. 


Buổi tối, cái Phương nghe lời mẹ mang xuống cho Khoa bộ chăn ga mới, nó vừa giũ giường vừa nói:

- Con trai đúng là giống nhau cả, đều ưa vẻ bề ngoài.

- Sao em lại nói vậy?

- Còn không đúng à? Ngày xưa cái Hạnh mập ú anh có thích chơi với nó đâu. Bây giờ thì anh còn đưa về tận nhà.

Khoa định lên tiếng bênh vực mình nhưng nghĩ lại thấy Phương nói không phải không có lí. Con người ai chả yêu cái đẹp, nhất lại là con trai. Đêm hôm đó Khoa có một giấc mơ kì lạ, cậu nhìn thấy Hạ Quyên đang đứng ở phía xa, rồi lại cả Hạnh nữa, hai người hai hướng khác nhau và cùng đang vẫy Khoa. Cậu không thể chạy lại cả hai cùng một lúc, cậu cứ thể đứng ở giữa ngã ba con đường, không tiến lên mà cũng không lùi lại. 


Sáng hôm sau Khoa đến văn phòng luật một lúc thì Hạ Quyên tới. Cô lại gần bàn của cậu, rồi nói nhỏ bảo cậu ra đợi ngoài cửa. Khoa hơi ngạc nhiên, thông thường nếu có chuyện gì thì Hạ Quyên hay nói thẳng luôn trong phòng. Ra tới ngoài, cô đưa cho cậu một tờ báo đã mở sẵn: “Diễn viên Thiên Lâm bị tố cáo uống rượu say rồi gây thương tích”.

Khoa đọc bài báo rồi lắc đầu ngán ngẩm. Là anti-fan tìm cách chọc tức Lâm mới bị cậu ta cho một cú đấm, tiền bồi thường đã nhận được rồi nhưng báo chí cứ thích làm rùm beng. Khoa nói:

- Những tin như thế này mình đọc nhiều rồi. Mấy ngày nữa là lại có tin đính chính hay họp báo ấy mà.

Nói xong, Khoa đột nhiên cảm thấy lời nhận xét của mình về Lâm sao giống như những lời bình phẩm về mấy diễn viên truyền hình xa lạ, thật không giống một người đang nói về thằng bạn thân thiết của mình. 

Hạ Quyên giật lại tờ báo trên tay Khoa, nói:

- Cậu thay đổi nhiều quá. Sao cậu lại bình thản như vậy? Đó là bạn của cậu mà.

Khoa bao biện:

-Cậu yên tâm đi, không có chuyện gì với Lâm đâu.

Hạ Quyên nuốt nhẹ một cái rồi nói:

- Mình cứ tưởng cậu sẽ rất lo lắng, thật không ngờ, cậu cũng đọc tin tức về bạn mình với thái độ thờ ơ như những người khác. Mình thật thất vọng về cậu. 

Nói rồi, Hạ Quyên bỏ đi. Khoa đứng chết lặng một lúc, nhìn chằm chằm vào tờ báo đã rơi xuống sàn nhà từ bao giờ. Cái tựa đề, hình ảnh phóng viên chụp được Lâm nằm chềnh ềnh trên mặt báo như trêu ngươi cậu. Hạ Quyên vừa nói những lời làm cậu thấy cay đắng vô cùng. Nhưng cô đã nói đúng. Có lẽ ai cũng nhìn thấy là Khoa đã tự để tuột mất người bạn thân của mình nhưng không ai muốn nói với cậu điều ấy. Chỉ có cô, là không hài lòng vì đã chứng kiến tình bạn của hai người.

Còn tiếp...



Pair of Vintage Old School Fru